MỔ SỎI THẬN THÀNH CẮT THẬN

Báo CAND nhận được đơn phản ánh của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân trú tại Khu tập thể Hữu Nghị 80, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội về việc chồng chị là anh Nguyễn Anh Tuấn sau khi mổ lấy sỏi thận tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, do chuyên môn của bệnh viện sau khi mổ đã khiến anh Tuấn phải cắt “oan” đi một quả thận bên phải. Ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh, PV đã tìm hiểu, xác minh để làm rõ vấn đề.

MỔ SỎI THẬN THÀNH CẮT THẬN
Một quả thận bị cắt “oan”?

Anh Nguyễn Anh Tuấn có tiền sử sỏi thận phải. Gia đình có ý nguyện muốn mổ phiên để lấy sỏi nên ngày 14/7/2009, anh đã đặt vấn đề với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bác sĩ Phùng Xuân Trường cùng Khoa Ngoại của Bệnh viện Sơn Tây mời Bệnh viện Việt – Đức lên Bệnh viện Sơn Tây để mổ cho anh (vì Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là 1 trong 6 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt – Đức) và đã được Giám đốc cũng như Khoa Ngoại đồng ý.
Ngày 15/7, anh được làm bệnh án vào viện. Đến ngày 19/7, Bệnh viện Sơn Tây đã mời được Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca (Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện Việt – Đức) lên mổ cho anh. Ca mổ lấy sỏi thận này đã rất thành công và anh được điều trị hậu phẫu tại Bệnh viện Sơn Tây.
Những ngày đầu sau mổ, anh có sốt. Đến ngày thứ 3 sau mổ, bác sĩ Phạm Tiến Dung (phụ trách Khoa Ngoại của Bệnh viện Sơn Tây) chuẩn đoán vết mổ của anh bị nhiễm trùng và tiến hành cắt chỉ toàn bộ vết mổ mà không có sự tham khảo hay đồng ý của phẫu thuật viên chính là Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca. Hơn thế nữa, bác sĩ Dung trước khi cắt chỉ cũng không trao đổi trước tình trạng bệnh cho anh Tuấn và gia đình anh biết.
Đến 17h30′ ngày 2/8, anh Tuấn xuất hiện đau vật vã phía sâu trong vết mổ kèm theo nhiều máu tươi nhỏ qua băng. Gia đình anh đã báo cho bác sĩ trực lãnh đạo và trực Khoa Ngoại hôm đó. Sau khi hội chẩn, anh được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán: Chảy máu vết mổ, nghi chảy máu sâu trong hố thận sau mổ sỏi thận tái phát ngày thứ 14.
Sau khi chuyển xuống Bệnh viện Việt – Đức, anh được chẩn đoán tụ máu quanh thận sau mổ sỏi thận ngày thứ 14 và được Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca giải thích nguyên nhân là do cắt chỉ toàn bộ vết mổ. Hướng điều trị của Khoa Phẫu thuật tiết niệu là điều trị bằng nội khoa. Nhưng đến rạng sáng 24/8, anh chảy máu ồ ạt tại vết mổ, phải tiến hành cấp cứu và truyền máu, sau đó được chỉ định nút mạch cấp cứu.
Tại phòng nút mạch, các bác sĩ của phòng cũng giải thích cho gia đình anh là do cắt chỉ toàn bộ vết mổ khiến vết mổ toác ra nên các mạch máu không được bảo vệ dẫn đến tổn thương mạch máu phải nút mạch nhưng quá trình nút mạch thất bại nên anh được đưa đi mổ cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng. Kíp mổ do Tiến sĩ Nguyễn Vũ Khải Ca thực hiện.
Sau ca mổ Tiến sĩ Ca đã giải thích cho gia đình anh là không thể bảo tồn được quả thận đó do cắt chỉ toàn bộ gây nhiễm trùng sâu và tổn thương mạch máu nên phải cắt bỏ thận phải. Sự việc này cũng được Tiến sĩ Ca báo cáo lên Ban Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức vào sáng 25/8.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau mổ cắt thận phải lần 2 tại Bệnh viện Việt – Đức mười ngày, sức khỏe tạm ổn định anh Tuấn được xuất viện. Ngày 18/9, anh Tuấn ra gặp bác sĩ Phùng Xuân Trường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây để trao đổi cách giải thích phải cắt thận của anh từ Bệnh viện Việt – Đức. Thế nhưng Giám đốc Trường lại giải thích với anh rằng, việc cắt bán phần lấy sỏi của anh đương nhiên phải chảy máu do tỷ lệ chảy máu cao chứ việc cắt chỉ ngoài da không liên quan gì đến vấn đề chảy máu quanh hố thận. Công tác gần chục năm tại Khoa Hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây nên anh thấy cách giải thích này chưa thỏa đáng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, vợ anh Tuấn cho biết, ngày 30/10, Bệnh viện Sơn Tây có triệu tập bệnh nhân vào bệnh viện để trao đổi. Tuy nhiên cuộc gặp có 2 Phó Giám đốc, đại diện Khoa Ngoại, thanh tra nhân dân nhưng không có bác sĩ Phạm Tiến Dung (người trực tiếp cắt chỉ). Phía bệnh viện vẫn giải thích cho chị nguyên nhân của việc anh Tuấn phải cắt đi một quả thận bên phải không phải là do cắt chỉ toàn bộ vết mổ.
Là người cũng có chuyên môn (đang làm tại trạm y tế phường) chị có đặt câu hỏi: Mới 3 ngày sau mổ, nguyên tắc là phải cắt chỉ cách quãng nhưng ở đây lại cắt chỉ toàn bộ. Cắt chỉ cách quãng và cắt chỉ toàn bộ khác nhau như thế nào? Nhưng không ai trả lời.
Chị cho biết thêm gia đình đang rất lo bởi trước khi xét nghiệm mổ lấy sỏi lần một của chồng chị, quả thận bên trái hoàn toàn bình thường. Thế nhưng từ khi phải cắt bỏ quả thận bên phải đi mới được một thời gian ngắn mà đi xét nghiệm, quả thận bên trái còn lại của chồng chị đã bắt đầu tạo sỏi.
Trao đổi với PV Báo CAND, bác sĩ Phùng Xuân Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, trước sau như một, bệnh viện luôn giữ quan điểm rằng cắt chỉ toàn bộ vết mổ không gây ảnh hưởng đến chảy máu gây ra tụ máu quanh vùng thận. Bệnh viện đã làm đúng chuyên môn, không gây ra hậu quả sau. Như vậy là cách giải thích của Bệnh viện Việt – Đức và Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã hoàn toàn khác nhau.
Bác sĩ Trường cho biết thêm, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã làm công văn trao đổi với Bệnh viện Việt – Đức về việc cắt chỉ sớm toàn bộ vết mổ có phải là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân Nguyễn Anh Tuấn phải cắt bỏ quả thận bên phải? Tuy nhiên khi PV đề cập đến vấn đề đúng sai, trách nhiệm thuộc về ai?
Bác sĩ Trường cho biết, hiện tại không bàn đến việc đúng sai. Bởi bệnh nhân đưa ra cách giải thích của Bệnh viện Việt – Đức chỉ là những lời nói mồm, chưa có văn bản. Tất cả phải chờ đến khi có công văn trả lời của Bệnh viện Việt – Đức. Lúc đó Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bệnh viện Việt – Đức (vì Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là 1 trong 6 vệ tinh của Bệnh viện Việt – Đức).
Hiện tại, gia đình bệnh nhân cũng chưa có ý kiến gì về vấn đề hỗ trợ kinh phí, nếu có đề xuất của gia đình, bệnh viện sẽ họp Ban Giám đốc để nghiên cứu giúp đỡ.
Sự việc trên đặt ra nhiều câu hỏi đối với chuyên môn ngành Y, bởi những người chịu thiệt nhất vẫn là bệnh nhân. Sức khỏe con người thì tiền nào mua được

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *