“VUA THUỐC NAM” CỦA MIỀN TÂY BẮC

Ông Hoàng Văn Loan, 77 tuổi ở thôn chiềng 1, xã Lương Sơn (Bảo Yên-Lào Cai) được nhiều người gọi là “vua thuốc nam”, vì có thể dùng cây cỏ trị nhiều bệnh hiểm nghèo như viêm gan, dạ dày, sỏi thận

“VUA THUỐC NAM" CỦA MIỀN TÂY BẮC
Nghề thuốc của ông Loan được cha ông truyền lại, không qua sách vở, chỉ là nhận dạng các loại cây bằng mắt thường và biết kết hợp nhiều loại với nhau để tạo nên một phương thuốc gia truyền chữa được những căn bệnh hiểm nghèo.

Những phương thuốc giữa rừng già

Mới đến đầu thôn, hỏi gia đình ông Loan từ già đến trẻ ai cũng biết. Ông sống trong ngôi nhà sàn 5 gian 2 trái lợp bằng lá cọ nằm nép mình dưới tán cây rừng. Đó là một cụ già đã qua tuổi “cổ lai hy”, nước da nhăn, mái tóc bạc trắng như cước, tính tình hiền hậu, giọng nói ấm áp đến lạ thường.

Ông Loan vui vẻ kể: ông sinh ra và lớn lên tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, hành nghề bốc thuốc nam tại đó. Năm 1966 gia đình ông thuộc diện phải di dời ở vùng lòng hồ Thác Bà, ông và gia đình đã di cư lên Lào Cai sinh sống.

Khi còn nhỏ ông đã đi theo cha vào tận chốn rừng sâu, nơi núi đá thuộc tỉnh Yên Bái để tìm kiếm, nhận dạng loài cây có thể dùng để làm thuốc. “Hồi đó nhiều dịch bệnh, toàn những căn bệnh khó chữa, thuốc tây chưa phổ biến như bây giờ, hệ thống bệnh viện còn nghèo nàn và xa nên khi mắc bệnh người dân chỉ dùng thuốc nam hoặc cúng bái. Tôi chỉ dùng thuốc nam chữa, còn cúng bái thì… chịu”, ông Loan minh mẫn nhớ lại.

Sau nhiều năm theo chân cha, ông đã thành thạo việc chọn cây, bốc thuốc và được mọi người tin tưởng, mỗi năm ông chữa bệnh cho hàng chục người cả trong và ngoài tỉnh. “Có người ở tận bên Hà Giang hay dưới Nam Định, Bắc Ninh cũng lên đây lấy thuốc, tôi đều chữa khỏi cho họ”, ông Loan vừa băm thuốc vừa kể.

Tất cả những phương thuốc mà ông bốc đều lấy từ trong rừng, có loại lấy rễ, loại lấy lá, thân… về trộn với nhau tạo thành một phương thuốc. Có loại bệnh thì đun lên lấy nước uống, có bệnh phải hơ cho ấm đắp vào chỗ đau, lấy nước để xông hơi…

“Trước đây đi tìm cây thuốc chỉ đi loanh quanh trong làng là tìm được, nhưng nay do nạn phá rừng, phát nương làm rẫy nhiều nên muốn tìm được cây có thể có khi phải đi cả ngày đường”. Công việc gian khổ là vậy, nhưng ông không đòi tiền công, có người mang con gà, chai rượu đến là ông giết gà, uống rượu chúc mừng.

“Người thầy thuốc phải có cái tâm và không bao giờ được nghĩ đến chuyện làm giàu trên nỗi khổ của người khác” – đó là điều ông luôn nằm lòng khi bốc thuốc. Ông có một quyển sổ tay ghi chép lại tên tuổi những bệnh nhân đã đến với ông và khỏi bệnh, quyển sổ đã nhàu cũ nhưng danh sách bệnh nhân vẫn không ngừng dài ra.

Gặp những “bằng chứng sống”

Cách đây gần chục năm bà Hoàng Thị In, người bản Pịt (Lương Sơn, Bảo Yên, Lào Cai), thấy đau bụng đi khám thì phát hiện bị ung thư dạ con. Do phát hiện muộn, các bác sỹ trả bà về chờ chết. “Nghĩ còn nước còn tát, tôi đến nhà ông Loan lấy vài thang thuốc về chữa, càng uống càng thấy khỏe và sống luôn đến giờ” bà In vừa nói, vừa không ngớt lời cảm ơn ông Loan.

Hiện ông Loan đang chữa bệnh ung thư phổi cho ông Hoàng Văn N., người cùng xã. Ông N. cho biết: “Tôi thấy trong người tức ngực, khó thở, lâu dần bệnh nặng tôi đi khám bác sỹ bảo bị bệnh ung thư phổi, do bệnh bị từ lâu đã thành di căn. Đang nằm chờ ngày chết thì có ông Loan tới nhà chơi, ông bốc cho tôi mấy thang thuốc giờ tôi đã đỡ hơn nhiều. Đi khám bác sỹ bảo ung thư di căn đang tan ra, nếu tiếp tục dùng thuốc sẽ khỏi”.

Ngoài ra, ông còn chữa những bệnh khác như sỏi thận, hen suyễn, đại tràng, dạ dày, trị rắn cắn… cho hàng trăm người.

Ông Loan cho biết, mỗi thang thuốc phải có ít nhất 8 – 12 vị. Tùy từng bệnh mà có thể phân chia theo tỷ lệ khác nhau. Thuốc của ông được băm nhỏ, trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp, phơi khô rồi cho vào nồi đun sôi lấy nước để uống.

Đang tò mò học lỏm bí quyết của ông, tôi lại gặp một đôi vợ chồng trẻ đến nhà thăm ông. Anh chồng tên Hoàng gặp nhà báo là sà vào kể: “Tôi trước bị ung thư, đi chữa trị khắp nơi, không dám mổ, chỉ nằm lăn ra chờ chết. Người nhà đưa tôi lên gặp ông Loan, gọi là còn nước còn tát thôi. Nhưng thật bất ngờ, ông cụ như người sinh ra tôi lần hai vậy. Điều lạ nữa, sau khi chữa khỏi, gia đình hỏi hết bao nhiêu tiền thuốc thang để thanh toán thì ông không đòi hỏi gì mà chỉ nói là tùy tâm. Từ đó tôi coi ông như cha đẻ của mình nên lâu lâu lại ghé hỏi thăm sức khỏe cụ”.

77 tuổi nhưng trông ông vẫn rất khỏe mạnh. Hàng ngày ông vẫn vào rừng tìm cây thuốc. Những lúc rảnh rỗi ông còn đan rổ, rá, chài, vó bán cho người dân địa phương. “Làm thuốc không chỉ là niềm vui, mà tôi coi đó là việc làm để phúc cho con, cho cháu”, ông nói.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *